Saturday, February 18, 2006

Làng cổ bên sông Tiên

Tuổi Trẻ Online
Văn Hóa - Giải Trí
Thứ Bảy, 18/02/2006, 18:05 (GMT+7)

Làng cổ bên sông Tiên

Ngoại cảnh ngôi nhà cổ nguyên vẹn
TTCN - Nếu tỉnh Thừa Thiên - Huế có làng cổ Phước Tích bên bờ sông Ô Lâu với hơn 30 ngôi nhà cổ, thì ở tỉnh Quảng Nam còn sót lại sau chiến tranh một làng cổ thuần Việt với gần 20 ngôi nhà rường bên bờ sông Tiên thuộc xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước.

Nhà ở đây thiết kế ba gian, hai chái, lợp ngói âm dương; cột, kèo làm bằng gỗ mít rừng rất chắc. Trên từng vì kèo, con đội, bình phong... được điêu khắc tinh xảo với những rồng, phượng, nai, cá, hoa, trái và nhiều tranh gỗ diễn tả những câu chuyện dân gian của người Việt. Đồ dùng trong nhà như mâm, quả, chén bát, lọ hoa... có tuổi thọ hơn 200 năm.

Đặc biệt ở đây còn giữ lại những chiếc bàn tròn mà chưa ai giải thích nổi. Nếu nhiều người cùng đứng chân trần tiếp đất úp tay lên mặt bàn, thì lập tức mặt bàn xoay từ từ theo chiều kim đồng hồ. Nếu cùng ngửa bàn tay thì mặt bàn chạy ngược lại. Những chiếc giường thùng lớn nhỏ tuyệt đẹp, đang chất đầy đồ xưa mà ít khi sử dụng. Phối cảnh cho ngôi nhà là những loại cây ăn quả cổ đại, những loại hoa lạ ít thấy trên thị trường hiện nay.

Nhà được tọa lạc trên đồi cao nên nhìn thấy phong cảnh núi rừng, đồng ruộng, đêm có trăng nhìn thấy sông Tiên lấp lánh ánh sáng. Ngõ, lối đi và tường bao quanh từng ngôi nhà được xếp bằng đá trắng xám, qua thời gian rêu phủ nhiều màu rất đẹp. Những chủ nhân đang ở những ngôi nhà cổ hiện nay là thế hệ thứ bảy, có nghĩa nhà cổ ở đây đã có hơn 200 năm.

Hiện nay có một số ngôi nhà đang xuống cấp, còn đời sống của từng hộ chỉ vừa đủ ăn, việc tự trùng tu khó thực hiện. Những chủ nhân đang sinh sống trong nhà cổ có suy nghĩ: “Nếu bán đi thì có tội với tiền nhân”. Và ngôi làng cổ này đang đứng trước sự thách thức của thời gian và thị trường.

Lối đi được lót bằng đá vào nhà cổ. Một cửa sau của nhà cổ đang xuống cấp.

Chiếc bàn xoay khi mọi người cùng úp tay. Nội thất một ngôi nhà cổ.
Một trong nhiều giếng cổ của làng Một chiếc quả bằng gỗ 150 năm tuổi.

VŨ CHÁNH TRƯỜNG